Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa
Chu Dịch 周易
dt. <Nho> tức sách dịch, trong trong những kinh điển quan trọng của nho gia. Ngày nhàn mở quyển xem Chu Dịch, đêm vắng tìm mai bạn Lão Bô. (Ngôn chí 20.3)‖ (Tự thán 79.3)‖ (Tự thuật 119.5).
Trung Dung 中庸
dt. <Nho> Trung Dung ghi: “Vui, giận, buồn , mừng khi chưa phát ra thì gọi là trung, phát ra rồi mà đúng dịp thì gọi là hoà. Trung ấy là nguồn gốc lớn của trời đất; hoà ấy là sự đạt đạo của thiên hạ. Đến cựng cực của trung hoà thì muôn vật được đúng ngôi vị của nó, mà vạn vật được nuôi dưỡng.” (喜怒哀樂之未發謂之中,發而皆中節謂之和。中也者,天下之大本也;和也者,天下之达道也。致中和,天地位焉,萬物育焉.). Làm người thì chử đạo Trung Dung, khắn khắn răn dỗ thửa lòng. (Tự giới 127.1)‖ (Bảo kính 129.1).
an lạc 安樂
tt. <Nho> yên vui. Tuỳ Thư phần Liệt nữ truyện có đoạn: “trẫm vỗ về sinh dân, tình như phụ mẫu, muốn khắp nơi thanh tịnh, trăm họ yên vui” (朕撫育蒼生,情均父母,欲使率土清浄,兆庶安樂). An lạc một lều dầu địch, thái bình mười chước ngại dâng. (Bảo kính 161.5).
ba bảy mươi 𠀧𬙞𱑕
đc. <Nho> ba phần, bảy phần, mười phần. Kinh Thi bài Phiếu hữu mai có đoạn “mai rụng kìa, quả còn bảy phần. Chàng nào tìm em, hãy chọn ngày lành. Mai rụng kìa, quả còn ba phần. Chàng nào cần em, chọn ngày nay đi” (摽有梅、其實七兮。求我庶士、迨其吉兮。摽有梅、其實三兮。求我庶士、迨其今兮). Ý nói cây mai có mười phần quả, cứ rụng dần mất đi. quả mai ba bảy đương vừa, đào non sớm liệu xe tơ kịp thời (Nguyễn Du – Truyện Kiều). Vì thu cho nhẫn nên đầu bạc, chưa dễ ai đà ba bảy mươi. (Tích cảnh thi 203.4, 204.1). Với điển này, đây rõ ràng là loạt bài nói về chuyện tình yêu đôi lứa. [xem thêm NH Vĩ. 2009. Nguyễn Trãi và sex].
bất nhân 不仁
tt. <Nho> không có lòng nhân. (Trần tình 39.3)‖ Bất nhân vô số nhà hào phú, của ấy nào ai từng được chầy. (Bảo kính 171.7). Mạnh Tử thiên Công tôn sửu thượng ghi: “Nhân thì vinh, bất nhân thì nhục” (仁則榮,不仁則辱).
bốn bể 𦊚𣷭
dt. <Nho> dịch từ chữ tứ hải 四海 (thiên hạ). Sách Luận Ngữ thiên Nhan Uyên có đoạn: “Tư Mã Ngưu lo lắng nói: Người ta đều có anh em riêng tôi không có. Tử Hạ nói: Thương này từng nghe rằng ‘sống chết có số mệnh, giàu sang bởi trời. Quân tử kính cẩn mà không lỗi; với người thì cung kính và có lễ. Người trong bốn biển đều là anh em. Thế thì, người quân tử lo gì không có anh em?” (司馬牛憂曰:人皆有兄弟, 我獨亡。子夏曰: 商聞之矣死生有命, 富貴在天。君子敬而無失; 與人恭而有禮; 四海之內皆兄弟也。君子何患乎無兄弟也). Tuy rằng bốn bể cũng anh tam, Có kẻ hiền lành, có kẻ phàm. (Bảo kính 174.1, 154.7).
Chu 周
dt. <Nho> tức Chu Công 周公 tên là Cơ Đán 姬旦, là con của Chu Văn Vương 周文王, là em của chu Vũ Vương, từng giúp Vũ Vương triệu tạo nhà Chu, và từng phụ chính cho Chu Thành Vương sau này. Ông là bậc trọng thần thời Chu sơ, là thuỷ tổ của nước Lỗ. Chế độ lễ nhạc nhà Chu là đều do ông chế định, ông là biểu tượng cho lễ giáo tư văn thời cổ, là người Khổng Tử ngưỡng vọng hay mơ đến. Lâm tuyền thanh vắng bạn Sào, Hứa, Lễ nhạc nhàn chơi đạo Khổng, Chu. (Ngôn chí 15.4).
chèo lan 棹蘭
dt. <Nho> dịch chữ lan tương trong cụm quế trạo lan tương 桂棹蘭槳 trong bài Thiếu Ti Mệnh phần Cửu ca sách Sở Từ. Bài này miêu tả người ẩn sĩ bơi chiếc thuyền con giữa sóng nước mệnh mông để đi tìm một người đẹp lý tưởng (mỹ nhân)- đó là con người với những vẻ đẹp ưu trội bên trong. (Trần tình 42.1)
chính chuyên 正專
đgt. HVVT <Nho> thực hiện chuyên nhất. Gia tài ấy xem hèn hạ, đạo đức này khá chính chuyên. (Bảo kính 186.6).
chẳng nhàn 拯閑
tt. <Nho> dịch chữ vô dật 無逸, vốn là tên của thiên thứ mười bảy trong Chu Thư thuộc sách Thượng Thư. Khi Vũ Vương chết, thành vương còn nhỏ, Chu Công hết lòng giúp giập, phò tá thành vương trong việc trị quốc. Chu Công đã soạn ra thiên này để biện minh việc tốt xấu để dạy dỗ , răn dè thành vương. “vô dật” được các nhà Nho xưa coi là bài học về phép tu thân, thận độc. Ví dụ, câu đầu sách này ghi rằng: quân tử sở kỳ vô dật (người quân tử [ở ngôi trị nước chăn dân] chớ ham mê chơi bời hưởng lạc). Chu Hy coi “vô dật” là “gương sáng nêu cao cho vua chúa muôn đời soi chung”. [TL Sáng 2002: 449]. chẳng nhàn” xưa chép lời truyền bảo, khiến chử cho qua một đạo thường. (Bảo kính 128.5).
chống cày 𢶢𦓿
◎ Phiên khác: gióng (PL).
đgt. <Nho> dịch cụm thực trượng 植杖, sách vân 策耘. Luận Ngữ thiên Vi tử có đoạn: “Người ẩn sĩ chống gậy làm cỏ” (隱者荷條丈人植其杖而耘). Đào Uyên Minh trong Quy Khứ Lai Từ có câu thơ: Ngày ngày lén bước tiêu dao, khi ra thực trượng khi vào vân nông (Phạm đình toái ). “chống cày” được coi như là một biểu tượng cho cuộc sống tự trồng trọt (tạc tỉnh canh điền) nuôi thân của các ẩn sĩ. Cày chống tuyết. (Ngôn chí 13.5)‖ Khuở chống một cày. (Mạn thuật 28.1).
cày ăn đào uống 𦓿咹淘㕵
đgt. <Nho> tự cày mà ăn, tự đào giếng mà uống, dịch câu tạc tỉnh nhi ẩm canh điền nhi thực (鑿井而飲耕田而食), trỏ cuộc sống tự cung tự cấp của ẩn sĩ. Cày ăn đào uống yên đòi phận, sự thế chăng hay đã Hán Tần. (Tự thán 102.7)‖ (Bảo kính 129.7). x. tạc tỉnh canh điền.
cây cả nhàn ngồi 核哿閑𫮋
đc. <Nho> Phùng Dị 馮異 (? - 34), tự Công Tôn 公孫 là tướng của Lưu Tú (Hán Quang Vũ) có công lớn giúp Lưu Tú an định Hà Bắc, tính khiêm nhường. Trong khi các tướng khác tranh nhau khoe công thì dị ngồi tựa dưới một gốc cây lớn mà hóng gió. Quân lính từ đó gọi ông là đại thụ tướng quân. Sau khi Lưu Tú lên ngôi, ông được phong làm Dương Hạ Hầu 陽夏侯, nhậm chinh tây đại tướng quân. Đến đời Minh đế được liệt vào vân đài nhị thập bát tướng (Hậu Hán - Phùng Dị truyện). Kìa ai cây cả nhàn ngồi tựa, nẻo có công nhiều lọ phải tranh. (Bảo kính 131.7).
cầu hiền 求賢
đgt. <Nho> tìm người hiền. Bài Quyển nhĩ tự trong sách Kinh Thi có đoạn: “bài quyển nhĩ, viết về cái chí của hậu phi, muốn phụ giúp nhà vua tìm được người hiền, xét được quan tốt, biết được nỗi vất vả của bề tôi” (《卷耳》,后妃之志也,又當輔佐君子,求賢審官,知臣下之勤勞). Lưu Hướng trong sách Thuyết Uyển ghi: “Cho nên, bậc minh quân ở trên, cẩn thận ở chuyện chọn lựa kẻ sĩ, chăm chú ở chuyện tìm kiếm người hiền” (故明君在上,慎於擇士,務於求賢). Cầu hiền chí cũ mong cho được, bất nghĩa lòng nào mựa nỡ toan. (Bảo kính 144.3).
cửa mận tường đào 𨴦槾墻桃
đc.<Nho> Địch Nhân Kiệt (607- 700) là tể tướng đời Đường, nổi tiếng chính trực dưới triều võ tắc thiên, ông có công tiến cử nhiều nhân sĩ tài danh đương thời cho triều đình. Môn khách lúc nào cũng chật cửa. Cho nên mới có câu: “Đào lý trong thiên hạ đều ở trong cửa nhà ông.” (天下桃李悉在公門 thiên hạ đào lý tất tại công môn). Lý Bạch trong bài Xuân dạ yến đào lý viên tự có câu: “Anh tài tuấn tú như Tạ Huệ Liên.” (桃李俊秀皆如惠蓮). cửa mận tường đào trỏ nơi tụ họp, chiêu đãi, trọng dụng kẻ sĩ, hay trỏ chốn quan trường nói chung. Trúc mai bạn cũ họp nhau quen, cửa mận tường đào chân ngại chen. (Thuật hứng 46.2).
cửa sày 𬮌柴
dt. đc. <Nho> dịch chữ trình môn 程門 trong trình môn lập tuyết 程門立雪. Sách Tống Sử phần Dương Thì truyện có đoạn rằng: “cho nên, Dương Thì đến học Trình Di ở đất Lạc, khi ấy quãng tầm bốn mươi tuổi rồi. Một hôm vào gặp thày, Trình Di đang nhắm mắt tĩnh toạ. Dương Thì với Du Tạc cứ đứng chờ thày. Đến khi Trình Di tỉnh thì tuyết ngoài cửa đã sâu một thước.” (至是,楊時見程頤于洛,時盖年四十矣。一日見頤,頤偶瞑坐,時與游酢侍立不去。頤既覺,則門外雪深一尺矣). Sau thường lấy điển này để nói đến việc học trò cung kính thụ giáo thày, hơn nữa là lẽ tôn sư trọng đạo và tinh thần cầu học. Cửa sày, giá nhơn nhơn lạnh, lòng bạn, trăng vặc vặc cao. (Bảo kính 167.5).
cửa tam công 𲈫三公
đc. <Nho> sách Văn Kiến Lục đời Tống ghi chuyện Vương Hựu lập được nhiều công lớn cho triều đình nhưng cũng không được làm tể tướng. Ông bèn bảo rằng: ta không làm thì con cháu ta làm. Rồi trồng ba cây hoè trong sân nhà. Quả thực, sau con ông là vương đan giữ chức ấy thực. Tô Đông Pha có bài Tam hoè đường ký ghi lại việc này. Có khuở ngày hè giương tán lục, đùn đùn bóng rợp cửa tam công. (Hoè 244.4).
diều 鷂
◎ Nôm: 鷂 AHV: diêu.
dt. <Nho> diều hâu, diều gốc Hán, hâu gốc Việt, loài chim ăn thịt, hình giống chim ưng nhưng nhỏ hơn (nên gọi là diều ưng 鷂鷹), thường bắt gà con và các loài chim non để ăn, dùng để ví với cái ác hay bọn tiểu nhân. văn điếu Khuất Nguyên của Giả Nghị đời Hán có câu: “Loan phượng náu mình chừ, diều cú cao bay: rều rác vinh hiển chừ, gièm dua đắc chí; hiền thánh long đong chừ, thẳng ngay sấp ngửa.” (鸞鳳伏竄兮,鴟梟翺翔:闒茸尊顯兮,讒諛得志;賢聖逆曳兮,方正倒植 loan phượng phục thoán hề, si hiêu cao tường: tháp nhung tôn hiển hề, sàm du đắc chí; hiền thánh nghịch duệ hề, phương chính đảo thực). Cả câu ý nói: người quân tử như chim loan chim phượng phải náu mình vì bị cuộc đời ô trọc ngăn trở, còn nhiều lũ diều cú (tiểu nhân) thừa cơ lại được bay lượn hoành hành. Phượng những tiếc cao diều hãy liệng, hoa thì hay héo cỏ thường tươi. (Tự thuật 120.5).
đc. <Nho> dịch cụm 鳶飛魚躍 diên phi ngư dược (con diều bay, con cá nhảy). Sách Trung Dung có đoạn: “đạo của người quân tử thật rộng lớn nhưng cũng rất vi diệu. Dù có thế thì đến cả người ngu dốt trong đám đàn ông đàn bà cũng có thể biết được phần nào. Còn như đến đỉnh điểm của nó, thì dẫu thánh nhân cũng còn có điều không thể biết được. Dẫu là những người kém cỏi trong đám đàn ông đàn bà bình thường, cũng có thể thi hành được phần nào. Còn như đến đỉnh điểm của nó, thì dẫu thánh nhân cũng còn có điều không làm được. Rộng lớn như trời đất, mà người ta còn cảm thấy có chỗ không vừa ý. Cho nên đạo của người quân tử, nếu nói chỗ lớn, thì trong thiên hạ chẳng có gì có thể bao chứa được nó; nếu nói chỗ nhỏ, thì trong thiên hạ chẳng có gì có thể tách chia được nó. Kinh Thi nói: “chim diều bay lên trời cao, con cá lặn xuống vực sâu”. Tức là nói xét cả trên trời dưới đất vậy.” (君子之道費而隱。夫婦之愚,可以與知焉,及其至也,雖聖人亦有所不知焉;夫婦之不肖,可以能行焉,及其至也,雖聖人亦有所不能焉。天地之大也,人猶有所憾,故君子語大,天下莫能載焉;語小,天下莫能破焉。《詩》云:‘鳶飛戾天,魚躍于淵’言其上下察也). Bành được thương thua: con tạo hoá, diều bay cá dảy đạo tự nhiên. (Tự thán 103.4). Câu này ý nói cái đạo bao trùm mọi sự vật trong thế giới.
gác Đông 閣東
dt. <Nho> dịch chữ đông các 東閣, là một tên gọi của hoa mai. TVG cho rằng “đông các là cái lầu chiêu hiền ở đời Hán. Nhà thơ Đỗ Phủ đời Đường khi làm quan ở đông các có làm câu thơ: “Ở Đông Các ngắm hoa mai động thi hứng.” (東閣觀梅動詩興 đông các quan mai động thi hứng) [theo TVG, Schneider cho rằng: “Đây là cơ quan thuộc Hàn Lâm viện, nơi Nguyễn Trãi làm việc”. Tuy nhiên, theo Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí Quan chức chí, dưới triều Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông không có cơ quan đông các cũng như chức vụ đông các ở trong Hàn Lâm viện, mà phải đến năm 1471 mới có. Như vậy thuyết của TVG là không ổn. Theo Chỉ Nam ngọc âm môn hoa loại có ghi: “Trạng nguyên: hoa quế; đông các: hoa mai”. Có thể hiểu là: “hoa mai thực đã từng làm khách của nhà thơ, chứ đâu chỉ có kết bạn với mỗi mình với tiên Lâm Bô ” [theo PL 2012: 349]. Gác Đông ắt đã từng làm khách, há những bô tiên kết bạn chơi. (Mai thi 224.3). ở đây, rõ ràng nhà thơ đang chơi chữ, bài tả về hoa mai, nên câu nào cũng có điển về mai. Dùng chữ “gác Đông” ấy chính là trỏ đích danh hoa mai, nhưng lại muốn ẩn cái tên đó đi, mà uyển chuyển nói rằng, loài hoa này từng làm khách ở gác Đông, với hàm ý một loài hoa quý được trồng ở những nơi lầu sảnh quan trọng, tức là vừa trỏ cái cốt cách của hoa, cũng là trỏ cái sở dụng của hoa.
hiền 賢 / 䝨
dt. <Nho> kẻ sĩ. Cầu hiền chí cũ mong cho được, bất nghĩa lòng nào mựa nỡ toan. (Bảo kính 144.3, 160.7, 183.2)‖ (Tích cảnh thi 204.3).
tt. <Nho> biết sống theo đạo lý. Khách hiền nào quản quen cùng lạ, cơm đói nài chi gẩm miễn khê. (Bảo kính 141.3, 186.1) , dịch chữ hiền nhân.
hiền nhân 賢人
dt. <Nho> người hiền. Quân tử nước giao, âu những lạt, hiền nhân rượu thết, lọ là nồng! (Bảo kính 178.6), đc. Sở Nguyên Vương kính trọng mục sinh là hiền sĩ nước sở, vì mục sinh không thích uống rượu, vua sở chế riêng một thứ ngọt để thết mục sinh [theo Trần Văn Giáp].
khiêm nhường 謙讓
đgt. <Nho> khiêm tốn, nhường nhịn. Khiêm nhường ấy mới biêu quân tử, ai thấy Di Tề có thửa tranh. (Tự thuật 113.7).
khó bền 庫卞
tt. <Nho> dịch chữ cố cùng 固窮 (cùng: khó; cố: bền). Luận Ngữ thiên Vệ linh công có đoạn: “khi Khổng Tử ở nước trần thì bị hết lương thực, các đệ tử đi theo sinh bệnh, không dậy được. Tử Lộ lo lắng hỏi: ‘quân tử mà cũng có lúc khốn cùng thế này sao?’ Khổng Tử trả lời: ‘quân tử lúc khốn cùng vẫn bền chí giữ tiết, tiểu nhân khốn cùng thì làm bậy’” (在陳絕糧,從者病,莫能興。子路慍見曰:“君子亦有窮乎?”子曰:“君子固窮,小人窮斯濫矣). Khó bền, mới phải người quân tử, mình gắng, thì nên kẻ trượng phu. (Trần tình 43.5).
Khổng môn 孔門
dt. <Nho> cửa Khổng. Chớ còn chẳng chẳng, chớ quyền quyền, lòng hãy cho bền đạo Khổng môn. (Tự thán 111.2).
kinh 經
dt. <Nho> sách vở, kinh điển của nho gia. Chớ người đục đục, chớ ta thanh, lấy phải thì trung, đạo ở kinh. (Bảo kính 156.2, 166.1, 166.7). canh [Rhodes 1651]
làm lành 𫜵冷 / 𬈋冷
đgt. <Nho> dịch chữ vi thiện 為善 (hành thiện, làm việc thiện). Sách Mạnh Tử thiên Công tôn sửu thượng có đoạn: “Mạnh Tử nói: Tử Lộ kia, người ta đem chuyện lỗi lầm nói với nó thì nó lại vui. Trong khi, vua vũ nghe điều thiện thì vái lạy. Vua Thuấn cao hơn cả, cùng người làm việc thiện. Bỏ ý của riêng mình mà thuận theo ý của dân, dân vui thì cho đó là làm điều thiện.tự cày, tự gieo hạt, tự đào giếng, tự câu cá cho đến làm vua, không có việc nào là không theo dân. Theo dân là làm điều thiện, ấy là cùng dân làm điều thiện vậy. Cho nên, quân tử không có việc gì quan trọng bằng việc làm điều thiện cùng với dân.” (孟子曰:“子路,人告之以有過則喜。禹聞善言則拜。大舜有大焉,善與人同。舍己從人,樂取於人以為善。自耕、稼、陶、漁以至為帝,無非取於人者。取諸人以為善,是與人為善者也。故君子莫大乎與人為善). hậu Hán Thư phần Liệt truyện ghi: “Có hôm hỏi Đông Bình Vương rằng ở nhà thì việc gì là vui nhất. Vương trả lời rằng làm thiện là vui nhất, lời ấy thực cao rộng, thực đáng là lời nằm lòng.” (日者問東平王處家何等最樂,王言為善最樂,其言甚大,副是要腹矣). Nguyễn Trãi từng viết: “sửa mình mới biết thiện là vui” (修己但知善為樂 tu kỷ đãn tri thiện vi lạc). Làm lành mới cậy chớ làm dữ, có đức thì hơn nữa có tài. (Tự thán 92.5, 99.8)‖ (Bảo kính 147.5).
lạnh 冷
AHV: lãnh. Ss đối ứng ca (23 thổ ngữ Mường), ʑεt (3), năc (3) [NV Tài 2005: 262]. Như vậy, lạnh - rét gốc Hán, Giá gốc Việt-Mường.
tt. trái với nóng. Chim đến cây cao chim nghĩ đỗ, quạt hay thu lạnh quạt sơ thâu (Trần tình 40.6)‖ (Thuật hứng 46.6, 66.5, 115.4, 120.4)‖ (Bảo kính 139.6, 167.5)‖ (Thuỷ trung nguyệt 212.6).
tt. <Nho>, <từ cổ> trong trẻo một cách cô đơn và lạnh lẽo, nói tắt của thanh lãnh 清冷. Vừa hàm nghĩa là “nhàn quan” vừa hàm nghĩa là vị quan thanh liêm. Ta ắt muốn nhàn quan muốn lạnh, lo thay vì luỵ phải thờ ơ. (Tự thán 108.7). Dịch chữ lãnh hoạn 冷宦. Lô Kỳ 卢琦 trong tống ngô nguyên chẩn có câu: “Quan lạnh chớ than quê nhà thẳm, cố nhân toàn ở sảnh đài cao.” (冷宦莫嗟鄉國遠,故人今在省臺多 lãnh hoạn mạc ta hương quốc viễn, cố nhân kim tại sảnh đài đa). Đỗ Phủ có câu: “các ngài tấp nập thăng đài sảnh, mỗi bác quảng văn chức lãnh quan” (諸公衮衮登台省,廣文先生官獨冷 chư công cổn cổn đăng đài sảnh, quảng văn tiên sinh quan độc lãnh). Cốt lạnh hồn thanh. (Thuật hứng 54.7), ý nói cốt cách thanh tao, tâm hồn trong sáng luôn nghĩ đến việc đạo nghĩa “âu còn nợ chúa cùng cha”.
mình gắng 命亘
gt. tt. <Nho> dịch chữ tự cường 自強. Trong sách Kinh Dịch có câu: “Trời vận hành cương kiện, quân tử thì tự cường không nghỉ.” (天行健,君子以自強不息 thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức). Khó bền, mới phải người quân tử, mình gắng, thì nên kẻ trượng phu. (Trần tình 43.6).
môn đồ 門徒
dt. <Nho> học trò, môn sinh, đệ tử. Quan cao nhắn nhủ môn đồ nọ, hoạn nạn phù trì huynh đệ bay. (Bảo kính 145.5).
mộc thạch 木石
dt. <Nho> gỗ và đá. Tính ắt nhiễm cùng bầy mộc thạch, lòng còn chạnh có thú yên hà. (Tự thuật 118.3). Sách Mạnh Tử thiên Tận tâm thượng có đoạn: “Mạnh Tử nói: ‘thuấn ở trong núi sâu, sống cùng gỗ đá, chơi cùng hươu nai cho nên ông không khác gì dân của núi đó. Nhưng khi ông nghe thấy một điều thiện, nhìn thấy một việc lành thì vui sướng như nước suối nước sông đang chảy, không gì có thể ngăn được’.” (孟子曰:“舜之居深山之中,與木石居,與鹿豕遊,其所以異於深山之野人者幾希。及其聞一善言,見一善行,若決江河,沛然莫之能禦也).
Nghiêu 堯
dt. <Nho> vua Nghiêu (2337- 2258 tcn). Theo Sử Ký phần Ngũ đế kỷ, ông có tên là phóng huân, là con trai của Đế Cốc, mẹ họ trần phong. Vì Nghiêu thuộc bộ tộc Đào Đường nên ông cũng được gọi là Đường Nghiêu. Ông được coi là mẫu hình đế vương lý tưởng trong quan niệm của nhà Nho xưa. Vua Nghiêu Thuấn dân Nghiêu Thuấn, dường ấy ta đà phỉ thửa nguyền. (Tự thán 74.7, 105.8)‖ (Tự thuật 116.6). x. Đường Nghiêu, x. Thuấn Nghiêu.
người hữu đạo 𠊚有道
dt. <Nho> người có đạo. Luận Ngữ thiên Học nhi có câu: “Tìm đến người có đạo mà hỏi, có thể gọi là hiếu học rồi vậy.” (就有道而正焉可謂好學也已). Sách cũ, ngày tìm người hữu đạo, đìa thanh, đêm quyến nguyệt vô tâm. (Thuật hứng 70.3).
nhan 顏
dt. <Nho> tức Nhan Tử, Nhan Uyên. Đời dùng người có tài Y, Phó, nhà ngặt, ta bền đạo Khổng, Nhan (Bảo kính 160.6). x. Nhan Tử, x. Nhan Uyên.
Nhan Tử 顏子
dt. <Nho> tức Nhan Uyên. Bá di người rặng thanh là thú, Nhan Tử ta xem ngặt ấy lề. (Thuật hứng 48.6)‖ Thương nhẫn Biện Hoà ngồi ấp ngọc, đúc nên Nhan Tử tiếc chi vàng. (Tự thuật 117.4)‖ Một bầu hoà biết lòng Nhan Tử, tám trận khôn hay chước Khổng Minh. (Bảo kính 156.5).
Nhan Uyên 顏淵
dt. <Nho> Nhan Hồi 顏回 (521 - 481 tcn), họ nhan, tên hồi, tự là Tử Uyên 子淵, nên cũng gọi là Nhan Uyên, là con của ông nhan do, người nước Lỗ. Nhan Hồi theo học với đức Khổng Tử, kém Khổng Tử 30 tuổi, thiên tư thông minh, nhanh nhẹn, hiếu học, chuộng lễ, làm việc gì cũng không lầm lỗi đến hai lần, nói điều gì cũng không cẩu thả, khi giận người nầy không giận lây người kia, đứng đầu khoa đức hạnh trong cửa Khổng. Khổng Tử thường khen rằng: ta có trò hồi, cho nên các học trò ngày càng thân với ta. Nhan Hồi nhà nghèo, ở trong ngõ hẹp, giỏ cơm bầu nước, nếu là người khác thì không chịu được mà lo buồn, Nhan Hồi thì tự nhiên vui vẻ, học đạo. Đức Khổng Tử khen là người hiền và có nhân. Năm Nhan Hồi 29 tuổi thì tóc đã bạc trắng. Đức Khổng Tử thường khen Nhan Hồi: hiền tai hồi dã! nhất đan tự, nhứt biều ẩm, tại lậu hang, nhân bất kham kỳ ưu, hồi giả, bất cải kỳ lạc! hiền tai hồi dã! (hiền vậy thay Nhan Hồi! một giỏ cơm, một bầu nước, ở chỗ ngõ hẹp, giá người khác ở vào cảnh ấy thì lo buồn không chịu được, thế mà Nhan Hồi không bao giờ đổi cái vui của mình. Hiền vậy thay Nhan Hồi!) Nhan Hồi mất lúc mới 31 tuổi. Đức Khổng Tử than rằng: - trời hại ta! trời hại ta! đời sau truy tặng Nhan Hồi là uyển quốc công, phối hưởng với Khổng Tử khi cúng tế và được tôn là phục thánh, một trong tứ thánh của nho giáo. Nhan Uyên nước chứa, bầu còn nguyệt, Đỗ Phủ thơ nên bút có thần. (Ngôn chí 12.5)‖ Lều tiện Nhan Uyên tìm tới đỗ, đường cùng Nguyễn Tịch khóc làm chi. (Thuật hứng 57.5)‖ Vũ truyền thiên hạ Nhan Uyên ngặt, đổi đất xong thì có khác nao. (Tự thuật 122.7).
nhiều 饒
AHV: nhiêu.
tt. lắm, làm vị ngữ tính từ hay làm định ngữ. Sách Tiểu Nhĩ Nhã ghi: “Nhiêu: đa” (饒,多也). Rừng nhiều cây rợp hoa chầy động, đường ít người đi cỏ gấp xâm. (Ngôn chí 5.3, 8.5, 20.5)‖ (Mạn thuật 29.6)‖ (Thuật hứng 46.5, 49.3, 50.4, 67.2, 68.2)‖ (Tự thán 80.2, 93.6, 100.3, 105.1)‖ (Tự thuật 113.2, 120.1, 121.6, 122.1)‖ (Bảo kính 128.3, 129.3, 130.2, 130.7, 131.8, 133.5, 135.8, 138.3, 140.1, 140.7, 143.3, 146.5, 147.3, 159.5, 161.1, 164.6, 171.3, 172.7, 173.5, 175.3, 186.1, 188.2)‖ (Huấn Nam Tử 192.3)‖ (Tùng 219.4, 220.1)‖ (Trúc thi 222.1)‖ (Thiên tuế thụ 235.2)‖ (Nghiễn trung ngưu 254.1, 254.5). x. Ít nhiều tiêu sái lòng ngoài thế, nừng một ông này, đẹp thú này. (Ngôn chí 11.7) ‖ (Thuật hứng 46.8)‖ (Tự thán 84.8).
p. lắm, đứng trước động từ làm trạng ngữ tần số. Vinh hoa nhiều thấy khách đăm chiêu, bần tiện ai là kẻ chuộng yêu? (Bảo kính 135.1, 174.3, 175.6), nhiều lăn: dịch chữ đa truân 多屯.
nhiều thốt nhiều sự lỗi
Thng <Nho>. Dịch từ câu đa ngôn đa quá 多言多過. Nhiều thốt đã đành nhiều sự lỗi, ít ăn thì lại ít người làm. (Bảo kính 174.3). Sách bạch thoại bạch thư Chu Dịch có đoạn: “dịch viết: ‘quát nang, vô cữu vô dự’. Khổng Tử nói: hào từ này khuyên răn tiểu nhân về việc ăn nói. Vì tiểu nhân thường nói lắm sai nhiều, lắm việc thì lắm lo.” (《易》曰:“聒囊, 無咎無譽。” 孔子曰: 此言箴小人之口也。小人多言多過,多事多患). Ss nói dài, nói dai, nói dại. Tng.
Nho thần 儒臣
dt. <Nho> trỏ các nho sĩ bề tôi, cách gọi này bắt đầu từ đời Hán, sau trỏ chung đại quan có học vấn về kinh điển nho gia. Gánh, khôn đương quyền tướng phủ; lui, ngõ được đất Nho thần. (Trần tình 37.4).
Nhu 儒
dt. <Nho>. “sách Nhu: sách vở nhà Nho. Chữ Nhu: chữ riêng nhà Nho” [Paulus của 1895: 753]. Buồng văn tấp cửa lọn ngày thu, đèn sách nhàn làm song viết Nhu. (Thuật hứng 58.2).
nhuộm chăng đen 染庄顛
đgt. <Nho> vốn dịch từ câu Niết nhi bất tri (Luận Ngữ). Bui có một lòng trung miễn hiếu, mài chăng khuyết nhuộm chăng đen. (Thuật hứng 69.8). x. mài chăng khuyết.
nhà quan 茹官
dt. HVVT <Nho> lời bề tôi tôn xưng nhà vua, dịch chữ quan gia 官家. Sách Tư Trị Thông Giám phần Tấn thành đế hàm khang tam niên do hồ tam tỉnh chú: ”đời Tây Hán gọi thiên tử là huyện quan, đời Đông Hán gọi là quốc gia, nên gộp xưng là quan gia. Có thuyết cho rằng: “Ngũ đế cai quản (官) thiên hạ, tam vương đặt định (家) thiên hạ, nên gọi vậy.” (西漢謂天子為縣官,東漢謂天子為國家,故兼而稱之。或曰:五帝官天下,三王家天下,故兼稱之). Đại Việt sử ký toàn thư ghi: đời Trần “[thiên ứng chính bình] năm thứ 19 [1250]… xuống chiếu cho thiên hạ gọi vua là quan gia”. Năm 1277, Uy Văn Vương Trần Toại, cũng từng giải thích cho thượng hoàng về nghĩa của “quan gia” qua trích dẫn sách Tư Trị Thông Giám [PV Thắm 2008]. Ẩn cả lọ chi thành thị nữa, nào đâu là chẳng đất nhà quan. (Ngôn chí 17.8), dịch câu “dưới khắp gầm trời, đâu chẳng đất vua, trên mọi bến bờ, ai không thần tử” (普天之下,莫非王土,率土之濱,莫非王臣 phổ thiên chi hạ, mạc phi vương thổ, suất thổ chi tân, mạc phi vương thần) [Kinh Thi]. Ăn lộc nhà quan chịu việc quan, chớ tham tiểu lợi phải gian nan. (Bảo kính 144.1). Tương tự nhà vua dịch chữ vương gia 王家, nhà nước dịch chữ quốc gia 國家.
nhượng khiêm 讓謙
đgt. <Nho> như khiêm nhượng, đọc trại: khiêm nhường. Ngỡ ốc nhượng khiêm là mỹ đức, đôi co ai dễ kém chi ai. (Tự thán 91.7). x. khiêm nhường.
nhụ tử 孺子
dt. <Nho> trẻ con. Cưu lòng nhụ tử làm thơ dại, ca khúc Thương Lang biết trọc thanh. (Tự thán 96.5). Sách Mạnh Tử thiên Ly lâu thượng có đoạn: “Mạnh Tử nói: có thể nói chuyện với bọn bất nhân chăng? chúng coi chỗ nguy hiểm là an toàn, coi chỗ tối tăm là lợi lộc, lại vui với những cái làm hại mình. Đã có thể nói chuyện được với bọn bất nhân ấy thì thế nào chả có lúc mất nước tan nhà? có cậu bé (nhụ tử) hát rằng: nước Thương Lang trong chừ, có thể rửa dải mũ; nước Thương Lang đục chừ, có thể cùng rửa chân’. Khổng Tử nói: ‘các con nghe lấy! trong thì gột mũ, đục thì rửa chân, ấy là nói về đức tự giữ mình’. Ôi, người tự khinh mình trước rồi sau người đời sẽ khinh cho; nhà tự hủ nát, thì người sẽ phá đi; nước đã tự đánh mình thì sau sẽ có người chinh phạt. Sách Thái Giáp viết: ‘trời làm tai nghiệt, thì ta còn có thể làm trái lại; chứ tự mình tạo ra tai nghiệt thì sống sao nổi’ (câu này ý nói là như vậy đấy). Chữ nhụ tử ở câu trên hàm ý trỏ Khuất Nguyên - kẻ ngây thơ như con trẻ. Đây là lối uyển ngữ mà Nguyễn Trãi đã mượn dùng từ Mạnh Tử.
nắm thì 捻時
◎ Nôm: 稔𪰛 (稔時). Phiên khác: nắm thời (MQL), thẩm thời (TVG, VVK), nhẫm thì (Schneider), nhằm thì: đúng lúc (BVN). Nay theo ĐDA, PL.
đgt. HVVT <Nho> dịch chữ đãi thì 待時. Sách Mạnh Tử thiên Công tôn sửu thượng có đoạn: “người tề có câu rằng: ‘tuy có trí tuệ, chẳng bằng thừa thế; tuy có cày bừa chẳng bằng nắm đúng thời vụ’”. (齊人有言曰:‘雖有智慧,不如乘勢;雖有鎡基,不如待時’). Phúc của chung, thì hoạ của chung, nắm thì hoạ khỏi phúc về cùng. (Bảo kính 132.2).
phu phụ 夫婦
dt. <Nho> vợ chồng, được coi là đầu mối “tạo đoan” quan trọng trước tiên trong ngũ luân, theo quan niệm của nho gia. Sách Trung Dung có câu: “Khổng Tử nói: ‘đạo của người quân tử, khởi mối từ phu phụ, từ đó mà thi hành cho cùng cực thì có thể xét khắp trời đất’. Đạo vợ chồng ấy là đạo âm dương vậy.” (孔子曰:「君子之道,造端乎夫婦,及其至也,察乎天地。」 夫婦之道,則是陰陽之道也). Phu phụ đạo thường chăng được trớ, nối tông hoạ phải một đôi khi. (Giới sắc 190.7).
phép 法
AHV: pháp.
dt. quy củ, đơn vị đo lường tiêu chuẩn. Được thua cứ phép làm thằng mặc, cao thấp nài nhau tựa đắn đo. (Bảo kính 152.3).
dt. <Nho> chế độ, chuẩn tắc. Thờ cha lấy thảo làm phép, rập chúa hằng ngay miễn cần. (Bảo kính 184.3).
dt. <Phật> đạo. Lọ vằn sinh bởi mãi phương Tây, phụng sự Như Lai trộm phép sày. (Miêu 251.2).
phú 賦
đgt. <Nho> ban, bẩm phú, thiên phú. Trời phú tính, uốn nên hình, Ắt đã trừng trừng nẻo khuở sinh. (Tự thán 96.1). Sách Mạnh Tử thiên Tận tâm thượng có đoạn: “hình sắc là thuộc tính trời ban; chỉ có thánh nhân, rồi sau mới có thể noi theo hình.” (孟子曰: 形色,天性也;惟聖人,然後可以踐形).
quân thân 君親
dt. <Nho> vua và cha. Quân thân chưa báo lòng cánh cánh, tình phụ cơm trời áo cha. (Ngôn chí 8.7, 12.7)‖ (Mạn thuật 30.7)‖ (Tự thán 106.8)‖ (Bảo kính 159.7).
quân thần 君臣
dt. <Nho> vua và bề tôi. Bởi lòng chẳng ở cửa quyền, há rặng quân thần chẳng phải duyên. (Bảo kính 143.2).
quân tử 君子
dt. <Nho> kẻ sĩ. Quân tử hãy lăm bền chí cũ, chẳng âu ngặt chẳng âu già. (Ngôn chí 18.7)‖ (Trần tình 43.5)‖ (Thuật hứng 60.3)‖ (Tự thuật 113.7)‖ (Bảo kính 133.3, 178.5, 179.7, 182.7)‖ (Trúc thi 221.4, 222.1)‖ (Liên hoa 243.2).
quỳ 葵
dt. <Nho> loài thảo mộc, nhành cao, nở hoa vàng khá lớn, hạt có thể ăn, hoặc ép lấy dầu. Hoa quỳ thường hướng theo mặt trời nên còn gọi là hướng nhật quỳ 向日葵. Dân gian thường gọi là hoa hướng dương, khi mọc dại thì cây thấp hơn và nhỏ hơn, được gọi là dã quỳ . Vì hướng mặt trời, nên hoa quỳ được coi là biểu tượng cho lòng trung thành của bề tôi, nên có chữ quỳ tâm 葵心. Người hiềm rằng cúc qua trùng cửu, kẻ hãy bằng quỳ hướng thái dương. (Tự thán 71.4).
rừng Nho 棱儒
dt. <Nho> dịch chữ Nho lâm 儒林, chữ này có nhiều nghĩa: (1) giới nhà Nho nói chung, như phần Nho lâm ngoại truyện trong Sử Ký; (2) phiếm chỉ nho sinh, người đọc sách; (3) tác phẩm của nhà Nho; (4) kinh học nho gia; (5) học quan Nước kiến phong quang hầu mấy kiếp, Rừng Nho nấn ná miễn qua ngày. (Tự thuật 112.4)‖ (Bảo kính 150.1).
Sào Hứa 巢許
dt. <Nho> Sào Phủ 巢父 và Hứa Do 許由. Hai nhân vật này sống đời vua Nghiêu. đc. Hứa Do được tiếng là người hiền, vua Nghiêu vời vào để truyền ngôi. Hứa Do từ chối, cười mà về rồi ra suối rửa tai. Khi đó, sào phủ mới dắt trâu tới suối uống nước, thấy Hứa Do rửa tai, bèn hỏi tại sao. Hứa Do trả lời: “ông Nghiêu đòi tôi, biểu tôi thì làm vua.” sào phủ bèn dắt trâu bỏ lên trên giòng nước cho uống. Hứa Do hỏi tại sao, sào phủ đáp: “anh rửa tai anh xuống đó tôi sợ trâu tôi uống nhầm.” sào phủ lại nói: “anh đi đâu cho người ta biết vua mà muốn nhường ngôi vua cho anh, ấy là tại bụng anh vẫn còn danh lợi.” huỳnh tịnh của phê rằng, “nghe mà rửa, chi bằng giữ vẹn đừng nghe.” (huỳnh tịnh của - chuyện giải buồn). Tích sào phủ Hứa Do trở thành một điển cố về lòng trong sạch và tính ẩn dật. Lâm tuyền thanh vắng bạn Sào Hứa, Lễ nhạc nhàn chơi đạo Khổng Chu. (Ngôn chí 15.3).
sày 師
◎ Nôm: 柴 Đọc âm HHV. AHV: sư. OCM *sri [Schuessler 2007: 461]. Bụt là thầy cả trong tam giới. 如來是三界大師 (Phật Thuyết 7a). Chữ Nôm 舍賴哿, đối dịch chữ đại sư; cả < đại; 舍賴 (xá lại) < 師, được tái lập là một âm có tổ hợp phụ âm đầu là sr-. [NT Cẩn 2008; NQ Hồng 2008: 135], và salaj⁶ [Shimizu Masaaki 2002: 769]. Nay theo thuyết của NT Cẩn. *sri là âm của chữ 師 vào quãng thế kỷ VI trở về trước, đến đời Đường mới đọc thành *si (sư). Nhưng dấu vết cổ của nó vẫn được bảo lưu trong tiếng Việt vào quãng thế kỷ XII qua sách Phật Thuyết. Chữ Nôm QATT và các văn bản nôm thường dùng sài 柴 để ghi thày. Rhodes đã ghi nhận thày chứng tỏ đến thế kỷ XVII quá trình sày > thầy đã hoàn tất. Thế kỷ XV- xvi có lẽ vẫn đọc là sày. An Nam dịch ngữ ghi: “僧人: 隨委”, được Vương Lộc tái lập là [suei uei], và giải nghĩa là người sư (sãi) [1997: 152], theo chúng tôi đây là ghi âm người sày (thày). Tày: sày, sấy [HTA 2003: 437 - 463].
dt. <Nho> tiên sư, người dạy học. (Mạn thuật 25.4)‖ (Tự thán 94.8)‖ (Bảo kính 167.5, 173.3).
dt. <Phật> thầy chùa. Cảnh tựa chùa chiền, lòng tựa sày, có thân chớ phải lợi danh vây. (Ngôn chí 11.1)‖ (Miêu 251.2).
dt. thầy thuốc, người chữa bệnh. Ai rặng túi sày chăng đủ thuốc, hay vườn đã có vị trường sinh. (Hoàng tinh 234.3).
sản hằng 產恒
dt. <Nho> trỏ sản nghiệp cố định như ruộng đất, vườn tược, phòng ốc. Ngày tháng kê khoai những sản hằng, tường đào ngõ mận ngại thung thăng. (Mạn thuật 23.1).無恒產而有恒心 vô hằng sản nhi hữu hằng tâm (Mạnh Tử- lương huệ vương thượng).
thi lễ 詩禮
dt. <Nho> nói tắt của Kinh Thikinh lễ, hai bộ kinh của nho gia. Nhà còn “thi lễ” âu chi ngặt, đời bượp văn chương uổng mỗ danh. (Mạn thuật 31.3).
thi thư 詩書
dt. <Nho> nói tắt của Kinh ThiKinh Thư, hai bộ kinh điển của nho gia. (Ngôn chí 10.8, 12.3)‖ (Mạn thuật 34.8)‖ (Tự thán 84.5, 111.6)‖ Ba thân hương hoả nhờ ơn chúa, một cửa “thi thư” dõi nghiệp nhà. (Bảo kính 168.6).
Thuấn Nghiêu 舜堯
dt. <Nho> hai thánh vương đời cổ, thời hai vị trị vì được coi là xã hội lý tưởng. (Tự thán 74.7)‖ Nuôi con mới biết lòng cha mẹ, thấy loạn thì hay đời Thuấn Nghiêu. (Bảo kính 135.6).
thánh 聖
dt. <Nho> những bậc trí tuệ và đạo đức cao viễn theo tiêu chuẩn của nho gia. Miệng người tựa mật, mùi qua ngọt, đạo thánh bằng tơ, mối hãy dài. (Tự thán 91.6)‖ (Bảo kính 131.3, 132.3, 137.8, 143.7)‖ (Nghiễn trung ngưu 254.5).
thánh chúa 聖主
dt. <Nho> bậc quân Vương Mẫu mực theo tiêu chuẩn của nho gia, dịch chữ thánh vương < nội thánh ngoại vương. Những vì thánh chúa, âu đời trị, khá kể thân nhàn, tiếc tuổi tàn. (Tự thán 72.5).
thánh hiền 聖賢
dt. <Nho> gộp xưng của thánh và hiền. Có thân mựa lệ bượp bằng hữu, đọc sách thì xem thấy thánh hiền. (Tự thán 103.6)‖ (Bảo kính 182.7, 188.2).
thánh minh 聖明
dt. tt. <Nho> anh minh thánh thiết (chỉ dùng cho hoàng đế). Rày mừng thiên hạ hai của: tể tướng hiền tài, chúa thánh minh. (Thuật hứng 65.8).
thánh nhân 聖人
dt. <Nho> bậc đạt đến cảnh giới tối cao của đạo đức và thi hành đạo đức. Ước bề trả ơn minh chúa, hết khoẻ phù đạo thánh nhân. (Trần tình 37.6)‖ (Bảo kính 187.6).
thánh thượng hoàng 聖上皇
dt. <Nho> như thánh chúa. Bốn dân, nghiệp có cao cùng thấp, đều hết làm tôi thánh thượng hoàng (Tức sự 126.8).
thì trung 𪰛中
𪰛中 = 時中, đgt. <Nho> xử lý đúng theo thời. Sách Chu Dịch quẻ Mông lời Thoán truyện ghi: “Quẻ mông, hanh thông. Vì hanh thông nên mới vận hành, ấy là thuận theo thời vậy” (蒙,亨。以亨行,時中也). Ý nói quẻ mông biểu thị hanh thông. Cho nên, lấy thông để hành sự cho phù hợp với thời cơ. Thì trung có hai hàm nghĩa: 1. hợp với thời nghi; 2. tuỳ thời biến mà thông. Nho gia chú ý đến cả hai nội hàm ứng xử này. Hành vi và ngôn luận đều nên theo thời mà tuỳ xử cho phù hợp. Sách Lễ Ký thiên Trung Dung ghi: “Quân tử mà Trung Dung, quân tử sẽ thì trung vậy.” (君子之中庸也,君子而時中 quân tử chi Trung Dung dã, quân tử nhi thì trung). Chớ người đục đục, chớ ta thanh, lấy phải thì trung, đạo ở kinh. (Bảo kính 156.1)
tiểu nhân 小人
dt. <Nho> nhân dân nói chung. Nẻo khỏi tiểu nhân quân tử nhọc, dầu chăng quân tử tiểu nhân loàn. (Bảo kính 133.3), dịch câu 無野人莫養君子無君子莫治野人 vô dã nhân mạc dưỡng quân tử, vô quân tử mạc trị dã nhân (Mạnh Tử- đằng văn công thượng).
dt. <Nho> trái với quân tử. Vườn hoa khóc tiếc mặt phi tử, đìa cỏ tươi nhưng lòng tiểu nhân (Vãn xuân 195.6). đc. sách Luận Ngữ ghi: “Quý Khang Tử hỏi Khổng Tử về việc chính trị rằng: ‘nếu như giết bọn vô đạo để đạt đến việc hữu đạo, liệu việc này thế nào?’ Khổng Tử trả lời rằng: ‘bậc quân tử làm việc chính trị sao có thể dùng đến giết chóc? ngài muốn thiện, thì dân cũng sẽ thiện thôi. Cái đức của quân tử như gió, cái đức của quân tử như gió, cái đức của tiểu nhân như cỏ. Gió ở trên cỏ, thì cỏ sẽ rạp xuống thôi’ ” (季康子問政於孔子曰:「如殺無道,以就有道,何如?」孔子對曰:「子為政,焉用殺?子欲善,而民善矣。君子之德風,小人之德草。草上之風,必偃).
trường văn 場文
dt. HVVT <Nho> văn đàn, rộng hơn là trỏ việc học hành thi cử. Trường văn nằm ngả mấy thu dư, uổng tốn công nhàn biện “lỗ ngư”. (Mạn thuật 34.1)‖ (Bảo kính 150.3).
trường ốc 場屋
dt. <Nho> nơi tổ chức các trường thi thời xưa, sau trỏ khoa cử. Trường ốc ba thu uổng mỗ danh, chăng tài đâu xứng chức tiên sinh. (Ngôn chí 7.1)‖ (Tự thán 75.1).
trượng phu 丈夫
◎ Phiên khác: Đại phu (PL), theo nguyên bản viết nhầm “trượng” thành “đại”. Xét, “Đại phu” trong tiếng Hán có các nghĩa: bác sĩ, chức quan đời Chu, tên một tước vị thời Tần Hán, cách xưng hô trang trọng với nghệ nhân thủ công mỹ nghệ. Nay cải chính.
dt. <Nho> người quân tử có chí khí và tiết tháo. Mạnh Tử thiên Đằng văn công hạ có đoạn: “Giàu sang không mê hoặc được, nghèo khó không dời đổi được, sức mạnh không khuất phục được, đó gọi là bậc đại trượng phu.” (富貴不能淫, 貧賤不能移, 威武不能屈, 此之謂大丈夫 phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất, thử chi vị đại trượng phu). Lảo thảo chưa nên tiết trượng phu, miễn là phỏng dạng đạo tiên nho. (Ngôn chí 3.1)‖ (Trần tình 43.6)‖ Trượng phu non vắng là tri kỉ. (Tự thán 81.5), “trượng phu non vắng” tức trỏ cây tùng. Vì câu 2 đang nói đến những “bạn thân trong bốn mùa” gồm trúc Tưởng Hủ, Mai Lâm Bô, tùng trượng phu, ‖ (Bảo kính 152.8, 185.7)‖ (Trúc thi 222.4, 223.1).
tư văn 斯文
dt. <Nho> đạo này, văn hiến này, văn minh này. Sách Luận Ngữ thiên Tử hãn có đoạn: ”Khổng Tử bị hãm ở ấp khuông, ngài nói rằng: Văn Vương đã mất, cái nền văn minh (lễ nhạc, chế độ của nhà Chu) đều ở ngài đó sao? ông trời quả muốn diệt cái văn này (tư văn) thì ta (kẻ chết sau đức Văn Vương) chẳng còn cách nào mà truyền nối được cái văn minh ấy. Còn nếu trời chưa muốn huỷ hoại, thì bọn người khuông kia liệu có làm gì được ta?” (子畏于匡,曰:文王既没,文不在兹乎?天之將喪斯文也,后死者不得與于斯文也。天之未喪斯文也,匡人其如予何?). Mấy kẻ tư văn sinh đất Việt, đạo này nối nắm để cho dài. (Tự thán 92.7). x. văn này.
văn này 文尼
dt. <Nho> x. tư văn, trỏ lễ nhạc, pháp độ, giáo hoá hay đạo Nho nói chung. Văn này ngẫm thấy mới thon von, thương hải hay khao, thiết thạch mòn. (Thuật hứng 49.1).
văn đạt 聞達
dt. <Nho> tiếng tăm vang dội. Gia Cát Lượng trong bài Xuất sư biểu có câu: “Chẳng cần tiếng tăm nổi khắp chư hầu.” (不求聞達於諸侯 bất cầu văn đạt ư chư hầu). Văn đạt chẳng cầu, yên mỗ phận, ba gian lều cỏ đất Nam Dương. (Bảo kính 157.7).
Vũ 禹
dt. <Nho> tức Tỉ Văn Mệnh 姒文命, con của cổn thường được gọi là đại Vũ 大禹 (2205 - 2198 tcn), vị vua đầu tiên của nhà Hạ trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đầu tiên xác lập chế độ cha truyền con nối, có công trong việc trị thuỷ. Giả Nghị có câu: “Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang… đều ứng vận mà sinh”. truyền thiên hạ Nhan Uyên ngặt, đổi đất xong thì có khác nao. (Tự thuật 122.7). x. đổi đất.
xuất xử 出處
đgt. <Nho> xuất sĩ và thoái ẩn, tức việc ra làm quan và việc từ quan về ở ẩn. Sái Ung đời Hán trong bài Tiến hoàng phủ quy biểu có đoạn: “Ra sức tu thân, trung trinh mở rộng, xuất xử theo nghĩa, rực rỡ không mờ.” (修身力行,忠亮闡著,出處抱義,皦然不污 tu thân lực hành, trung lượng xiển trứ, xuất xử bão nghĩa, hạo nhiên bất ô). Lấy đâu xuất xử lọn hai bề, được thú làm quan trật thú quê. (Tự thán 109.1).
Đường Nghiêu 唐堯
dt. <Nho> (2337 tcn - 2258 tcn) con của Đế Cốc 帝嚳, họ Kỳ 祁, tên là Phóng Huân 放勳, hiệu Đào Đường 陶唐, thuỵ là Nghiêu 堯, vì từng là thủ lĩnh của họ Đào Đường 陶唐, cho nên gọi là Đường Nghiêu 唐堯. Theo Sử Ký, đế cốc mất, đế chí lên thay. Tuy nhiên, do chí không có tài trị nước nên phóng huân thay ngôi, tức là đế Nghiêu. Trong thư tịch cổ, Nghiêu thường được ca tụng là một vị vua tài giỏi và đạo đức, lòng nhân từ và sự cần cù của ông được coi là mẫu hình hoàng đế lý tưởng theo quan niệm của các nhà Nho xưa. Theo truyền thuyết, Nghiêu lên ngôi khi hai mươi tuổi, qua đời ở tuổi 119 và ông truyền ngôi cho thuấn, người được ông gả cho hai cô con gái từ trước. Việc Nghiêu truyền ngôi cho thuấn chứ không truyền ngôi cho con là đan Chu Thường được sử sách đời sau xem là tấm gương mẫu mực của việc chọn người tài đức, không vì lợi ích riêng tư của dòng họ. Ngẫm ngọt sơn lâm miễn thị triều, nào đâu là chẳng đất Đường Nghiêu. (Mạn thuật 24.2). x. tạc tỉnh canh điền.
đi nghỉ 𠫾擬
◎ Phiên khác: so nghĩ (ĐDA).
đgt. <Nho> dịch chữ hành chỉ 行止. hành: ra làm quan; chỉ: ẩn dật. Làm người chẳng có đức cùng tài, đi nghỉ đều thì kém hết hai. (Ngôn chí 6.2).
đinh 丁
dt. <Nho> chữ đinh, đây là chữ đơn giản, trỏ việc biết chữ học hành nói chung. Sách Cựu Đường Thư phần Trương hoằng tĩnh truyện có câu: “nay thiên hạ vô sự, các con có kéo được sức cung nặng hai thạch thì cũng chẳng bằng biết một chữ “đinh”. (今天下無事,汝輩挽得两石力弓,不如識一丁字). (Ngôn chí 7.8)‖ Hẹn này nỡ phụ ba đường cúc, tiếc ấy vì hay một chữ “đinh”. (Tự thán 107.6)‖ (Bảo kính 166.4). Người Việt có câu “chẳng biết cái đinh gỉ gì cả”, là một câu chơi chữ đồng âm: biết chữ đinh > biết cái đinh gỉ, giống như các lối nói nghèo rớt> nghèo rớt mồng tơi, kêu ỏm > kêu ỏm củ tỏi, chẳng biết cóc gì > chẳng biết cái cóc khô gì (biết = cóc, chơi chữ đồng âm thành con cóc)…
điền viên 田園
dt. <Nho> ruộng vườn, chốn ẩn cư. Chúc thánh cho tày Nghiêu Thuấn nữa, được về ở thú điền viên. (Bảo kính 143.8, 159.2).
điều canh 調羹
đgt. <Nho> cũng như hoà canh 和羹, là từ để chỉ việc nêm mơ nêm muối khi nấu canh. Thiên Duyệt mệnh hạ sách Kinh Thư có viết: vua cao tông nhà Thương bảo với ông Phó Duyệt rằng: “Cũng như thực hiện việc hoà canh, ngươi cũng như là mơ là muối.” (若作和羹,爾惟鹽梅 nhược tác hoà canh, nhĩ duy diêm mai). Khổng An Quốc chú giải rằng: “Canh cần phải có vị mặn của muối và vị chua của mơ để làm cho nó được hài hoà.” (羹須咸醋以和之). Tông Bính 宗炳 người nam tống trong Đáp hà hành dương thư có viết: “Lụa là thì cần phải có nhiều màu sắc mới đẹp; hoà canh cần phải có muối và mai mới có thể đạt đến độ ngon.” (貝錦以繁采發華; 和羹以鹽梅致旨). Sau, điển này thường được sử dụng để ví với những vị đại thần (như tể tướng) giúp đỡ cho nhà vua quản lí chính sự quốc gia. Người cười rằng kém tài lương đống, thửa việc điều canh bội mấy phần. (mai 214.8). Kham hạ điều canh còn để đợi. (Hồng Đức QATT, b.19)‖ Hoà canh ngày giúp việc thừa tướng, thêm bếp đêm liều chước tướng quân. (Hồng Đức QATT, 50a4)
đạo thánh bằng tơ 道聖朋𮈔
đc. <Nho> Trần Lượng 陳亮 đời Tống trong bài Dữ ưng trọng thực thư có câu: “Nếu chẳng có các nho sĩ đi du thuyết để ngăn ngừa, thì cái thế sụp trong vỡ ngoài đã thành sự thực rồi, nên đạo ta mới được bất tận như tơ vậy.” (苟無儒先生駕說以辟之,則中崩外潰之勢遂成,吾道之不絕如縷耳). Miệng người tựa mật, mùi qua ngọt, đạo thánh bằng tơ, mối hãy dài. (Tự thán 91.6).
đạo thường 道常
dt. <Nho> cái đạo thường hằng, luôn tồn tại, dịch chữ thường đạo 常道. “chẳng nhàn” xưa chép lời truyền bảo, khiến chử cho qua một đạo thường. (Bảo kính 128.8).
đổi đất 対坦
đgt. đc. <Nho> dịch chữ dịch địa 易地 (đổi địa vị cho nhau). Sách Mạnh Tử thiên Ly lâu có câu: “vũ, tắc sống vào đời thịnh, ba lần qua nhà mình mà không vào thăm nhà được, Khổng Tử coi đó là hai người hiền. Nhan Tử sống buổi thời loạn, náu thân trong ngõ hẻm, một giỏ cơm, một bầu nước, người đời không ai chịu nổi, thế mà Nhan Tử chẳng đổi cái niềm vui ấy, Khổng Tử coi hồi là người hiền. Mạnh Tử bảo: ‘vũ, tắc và Nhan Hồi cùng đạo. Vũ lo thiên hạ gặp lũ lụt cứ như là mình đang bị lụt; tắc lo thiên hạ đói rét, cứ như là chính mình đói rét, cho nên mới vội vàng như thế. Vũ, tắc, Nhan Hồi dẫu có đổi vị trí cho nhau thì cũng đều hành xử như nhau cả thôi’” (禹、稷當平世,三過其門而不入,孔子賢之。顏子當亂世,居於陋巷。一簞食,一瓢飲。人不堪其憂,顏子不改其樂,孔子賢之。孟子曰:“禹、稷、顏回同道。禹思天下有溺者,由己溺之也;稷思天下有饑者,由己饑之也,是以如是其急也。禹、稷、顏子易地則皆然). Vũ truyền thiên hạ Nhan Uyên ngặt, đổi đất xong thì có khác nao. (Tự thuật 122.8).
đứt vàng 󱢎黄
◎ 󱢎 {tất 悉+ cá 个} bảo lưu từ giai đoạn trước, có kiểu tái lập cho tiếng Việt tiền cổ là *kđứt [TT Dương 2012a]. Tương quan d- đ, có cặp dứt - đứt. x. dứt. Phiên khác: chặt (TVG, ĐDA, MQL), dứt (Schneider, PL). Nay đề xuất.
đgt. đc. <Nho> chặt đứt vàng, dịch chữ đoạn kim 斷金. Kinh Dịch có câu: “Hai kẻ đã một lòng, thì sắc bén có thể chặt đứt được vàng.” (二人同心其利斷金). Chữ đoạn theo truyền thống giải âm thường được đối dịch bằng từ đứt. Ví dụ: Bằng vượn kêu dấu con, gan lòng đứt làm tám tấc ← 如猿啼愛子寸寸斷肝腸 (Phật Thuyết 15b9). Tiếng dế ngâm xui đứt ngọn bạch dương 蛩聲吟斷白楊稍蛩聲吟斷白楊稍蛩聲吟斷白楊稍 (Tuệ Tĩnh- Thiền Tông Khoá Hư Ngữ Lục: 16a10). Mà chưng mạch Kinh Thi, Kinh Thư hầu đứt mà lại nối 而詩書之脈幾斷而復續而詩書之脈幾斷而復續而詩書之脈幾而復續 (TKML i 11a1). Đoạn đứt tài may, liệt bày thao giấu (Tam Thiên Tự: 102). Đứt vàng chăng trớ câu Hy Dịch, Khinh bạc màng ngâm thơ Cốc phong. (Bảo kính 178.3).
ẩn 隱
đgt. <Nho> náu mình để giữ đạo, không tham gia các việc đời nhiễu nhương. (Thủ vĩ ngâm 1.7)‖ Nọ kẻ tranh hùng nên hán tướng, kìa ai từ tước ẩn Thương San. (Bảo kính 185.4).
ẩn cả 隱嘏 / 隱奇
dt. HVVT <Nho> dịch chữ đại ẩn 大隱. Ẩn cả lọ chi thành thị nữa, nào đâu là chẳng đất nhà quan. (Ngôn chí 17.7)‖ (Tự thán 103.8). Đông Phương Sóc đời Tây Hán có câu hát rằng: “ngoi lên ngụp xuống trong cõi tục, lánh đời ở cửa kim mã. Trong cung khả dĩ lánh đời mà bảo toàn thân mạng, hà tất cứ phải là dưới lều cỏ ở chốn núi sâu” (陸沈於俗,避世金馬門。宫殿中可以避世全身,何必深山之中,蒿廬之下). Vương Khang Cư đời Đông Tấn trong bài Phản chiêu ẩn thi có câu: “tiểu ẩn ẩn rừng đầm, đại ẩn ẩn triều đình” (小隱隱陵藪,大隱隱朝市). Bạch Cư Dị đời Đường trong bài Trung ẩn có câu: “đại ẩn ở triều đình, tiểu ẩn ẩn bên gò. Bên gò thì lặng lẽ, triều đình thì ầm ĩ. Chẳng bằng làm trung ẩn, ẩn ở trong dinh quan” (大隱住朝市,小隱入丘樊。丘樊太冷落,朝市太囂喧。不如作中隱,隱在留司官). Lại có những câu như “tiểu ẩn ẩn ngoài nội, trung ẩn ẩn thành thị, đại ẩn ẩn triều đình” (小隱隱于野,中隱隱于市,大隱隱于朝 tiểu ẩn ẩn vu dã, trung ẩn ẩn vu thị, đại ẩn ẩn vu triều).
ẩn dật 隱逸
đgt. <Nho> ẩn: náu, dật: trốn. Dưới công danh nhiều thác cả, trong ẩn dật có cơ mầu. (Bảo kính 159.6)‖ (Cúc 216.3).
mai 梅
dt. <Nho> cây chịu rét, nở hoa vào mùa xuân, màu trắng hay hồng, hoa năm cánh, mùi nồng, quả hình cầu, vị chua. Cây mai là biểu tượng của người quân tử. Cổi tục, chè thường pha nước tuyết, Tìm thanh, khăn tịn nhặt chà mai. (Ngôn chí 2.4, 3.3, 4.1, 7.6, 12.2, 13.4, 16.4, 20.4)‖ (Mạn thuật 23.6, 35.3, 35.3, 46.1)‖ (Thuật hứng 47.7, 49.8, 50.5, 51.4, 60.3, 60.6)‖ (Tự thán 77.4, 81.4, 82.3, 90.3, 97.3, 101.3, 107.4)‖ (Tự thuật 115.4, 118.6, 119.4, 122.6)‖ (Bảo kính 129.3, 143.6, 157.5, 159.3, 164.4, 168.3).